Đọc hiểu truyện: Hành trang lên đường

Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

HÀNH TRANG LÊN ĐƯỜNG

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi:
– Khi nào con đi?
– Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.
Sư thầy trầm ngâm một lát rồi nói:
– Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tin chúng quyên tặng giày cho con.
Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền. Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng. Hòa thượng hỏi:
– Tại sao tín chủ lại tặng ô?
– Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?
Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại. Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng:
– Giày cỏ và ô đã đủ chưa?
– Đủ rồi ạ! – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. – Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.
Sư thầy nói:
– Vậy sao được. Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?
Ngừng một lát, ông lại tiếp tục:
– Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…
Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói:
– Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.

(Theo báo điện tử https://toancanh60s.com/)

Đọc hiểu truyện: Hành trang lên đường

Câu 1. Xác định ngôi kể của câu chuyện?

Click vào đây để xem đáp án

Ngôi kể thứ ba

Câu 2. Em hiểu ý nghĩa nhan đề câu chuyện trên như thế nào?

Click vào đây để xem đáp án

“Hành trang lên đường” là một nhan đề giàu ý nghĩa

+ Về nghĩa thực: “hành trang lên đường” được dùng để chỉ đồ dùng mang theo và các thứ trang bị khi đi xa.

+Trong câu chuyện này “hành trang lên đường” không mang nghĩa thực mà mang nghĩa ẩn dụ. Nó ẩn dụ cho những phẩm chất, đức tính, tinh thần mà con người cần có khi bước vào cuộc đời

Câu 3. Cho câu văn sau:

Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…

a)Xét theo cấu tạo ngữ pháp, câu văn trên thuộc kiểu câu gì?

b)Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn trên

Click vào đây để xem đáp án

a)Thành phần biệt lập tình thái: chắc chắn

b) Xét về cấu tạo ngữ pháp câu văn trên thuộc kiểu câu ghép

Câu 4. Câu chuyện giúp em hiểu ra điều gì?

Click vào đây để xem đáp án

Câu chuyện “Hành Trang Lên Đường” giúp em hiểu ra nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống:

+ Cuộc sống đầy những tình huống không thể dự đoán trước. Không có sự chuẩn bị vật chất nào có thể đảm bảo sự an toàn và thành công trong mọi hoàn cảnh. Thay vào đó, hành trang quan trọng nhất là sự chuẩn bị tinh thần và trí tuệ bên trong mỗi người.

+ Để bước vào cuộc đời, việc mang theo quá nhiều vật chất có thể trở thành gánh nặng không cần thiết. Buông bỏ những thứ không cần thiết giúp tâm hồn thanh thản và hành trình trở nên nhẹ nhàng hơn.

=> Như vậy, câu chuyện giúp em hiểu rằng trong cuộc sống, hành trang quan trọng nhất không phải là những vật dụng vật chất mà là sự chuẩn bị về mặt tinh thần, sự tin tưởng vào bản thân và khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Câu 5. Từ câu chuyện trên, em hãy liên hệ với thực tế và cho biết heo em chúng ta cần phải làm gì để có “hành trang” vững vàng nhất khi “lên đường”

Click vào đây để xem đáp án

Để có “hành trang” vững vàng nhất khi “lên đường” trong cuộc sống thực tế, chúng ta cần”

+ Không ngừng học tập. Kiến thức là hành trang quan trọng để đối mặt với những thách thức mới. Việc không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức, và phát triển kỹ năng sẽ giúp chúng ta tự tin hơn khi đối diện với những tình huống mới.

+ Cần hình thành cho mình những kỹ năng mềm. Kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, và làm việc nhóm rất quan trọng. Những kỹ năng này giúp chúng ta thích ứng và tương tác hiệu quả trong nhiều tình huống khác nhau.

+ Cần hiểu rõ giá trị của bản thân Nhận biết và trân trọng giá trị của bản thân giúp chúng ta tự tin hơn khi bước vào những môi trường mới và đối mặt với những thử thách.

+ Cần rèn cho mình những phẩm chất tốt đẹp. Mỗi chúng ta phải rèn cách sống trung thực, tự trọng, đúng giờ, biết sẻ chia giúp đỡ người khác…Vì đây là những phẩm chất rất cần thiết để con người có được thành công trong cuộc đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *