Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
CON NGỰA VÀ KỴ SĨ
Một kỵ sĩ nọ đã trải qua đủ mọi khó khăn, gian khổ cùng với con ngựa của mình. Trong suốt thời gian xảy ra chiến tranh, chú ngựa luôn được xem là người bạn đồng hành và là trợ thủ đắc lực của anh. Ngựa ta được chải lông cẩn thận mỗi ngày, được cho ăn cỏ khô và yến mạch.
Nhưng khi chiến tranh kết thúc, khẩu phần cỏ khô và ngũ cốc bị cắt giảm, ngựa phải ăn trấu và bất cứ thứ gì nó có thể tìm thấy bên vệ đường. Nó cũng bị bắt phải làm việc cực nhọc và thường phải chở những kiện hàng nặng quá sức mình.
Thời gian qua đi, chiến tranh lại nổ ra, người kỵ sĩ nọ mang bộ yên cương ra đặt lên lưng con ngựa của mình; sau khi đã khoác lên người bộ áo giáp nặng trịch, anh ta leo lên lưng ngựa phóng ra chiến trường.
Nhưng con ngựa không còn chịu nổi sức nặng đó nữa, nó ngã lăn ra.
Nó nói với ông chủ của mình:
– Ngài phải ra trận bằng chính đôi chân của mình thôi, vì ngài đã biến tôi từ một con chiến mã thành một con lừa rồi.
(Trích Tuyển tập truyện ngụ ngôn hay nhất của Aesop, NXB Trẻ, 2014, tr.71-72)

Câu 1. Người kể chuyện trong câu chuyện là ai?
Click vào đây để xem đáp án
Người kể chuyện trong câu chuyện là: Người kể chuyện giấu mặt
Câu 2. Đề tài chính của truyện ngụ ngôn Con ngựa và kỵ sĩ là gì?
Click vào đây để xem đáp án
Đề tài chính của truyện ngụ ngôn Con ngựa và kỵ sĩ là: Cách ứng xử với người đã gắn bó nghĩa tình với mình.
Câu 3. Câu văn sau sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng? Thời gian qua đi, chiến tranh lại nổ ra, người kỵ sĩ nọ mang bộ yên cương ra đặt lên lưng con ngựa của mình; sau khi đã khoác lên người bộ áo giáp nặng trịch, anh ta leo lên lưng ngựa phóng ra chiến trường.
Click vào đây để xem đáp án
– Nghệ thuật liệt kê: người kỵ sĩ nọ mang bộ yên cương ra đặt lên lưng con ngựa của mình; sau khi đã khoác lên người bộ áo giáp nặng trịch, anh ta leo lên lưng ngựa phóng ra chiến trường.
– Tác dụng:
– Tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt
– Qua từng hành động, hình ảnh người kỵ sĩ hiện lên mạnh mẽ, dứt khoát và sẵn sàng lao vào cuộc chiến, làm nổi bật tinh thần chiến đấu quả cảm.
Câu 4. Nhận xét về nhân vật chàng kỵ sĩ trong câu chuyện trên.
Click vào đây để xem đáp án
Nhân vật chàng kị sĩ trong câu chuyện là người sống ích kỉ, không có tình nghĩa với con vật (người bạn) đã gắn bó với mình trong những năm tháng khó khăn.
Câu 5. Từ câu chuyện Con ngựa và kỵ sĩ, em rút ra được bài học gì cho bản thân mình?
Click vào đây để xem đáp án
HS nêu bài học và lí giải hợp lí (ít nhất hai bài học)
Ví dụ:
– Quan tâm chăm sóc và quý trọng sự đóng góp và sự phục vụ của con vật nuôi với mình.
– Nên đối xử công bằng và được chăm sóc tốt cho vật nuôi.
– Sống có nghĩa, có tình với những người bạn đã gắn bó với mình trong suốt năm tháng khó khăn.
– Nếu sống ích kỉ, chỉ biết lợi ích của mình thì có ngày sẽ chỉ có một mình, không có ai bên cạnh giúp đỡ mình…
Câu 6. Dựa vào ngữ liệu trên, hãy viết một đoạn văn khoảng 100 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện “Con ngựa và kỵ sĩ”.
Click vào đây để xem đáp án
– Câu chuyện “Con ngựa và kỵ sĩ” mang đến bài học sâu sắc về lòng biết ơn và cách đối xử với những người đã giúp đỡ mình. Con ngựa trong câu chuyện là biểu tượng cho những người luôn âm thầm hy sinh, cống hiến hết mình vì người khác. Trong thời chiến, nó là “bạn đồng hành” trung thành, góp phần không nhỏ vào những chiến công của kỵ sĩ.
– Nhưng khi hòa bình trở lại, sự vô tâm và ích kỷ của con người đã khiến con ngựa bị lãng quên, thậm chí phải chịu đựng cuộc sống khốn khó và lao động kiệt quệ. Qua hình ảnh con ngựa ngã quỵ dưới sức nặng của chiến tranh, câu chuyện cảnh tỉnh chúng ta về hậu quả của sự vô ơn và thiếu trân trọng. Trong cuộc sống, mỗi người cần học cách nhớ đến công lao của những người đã từng giúp đỡ mình, biết tri ân và đối xử tử tế ngay cả khi hoàn cảnh thay đổi. Chỉ khi sống với lòng biết ơn và sự tử tế, chúng ta mới xây dựng được những mối quan hệ bền vững và xã hội tốt đẹp hơn.
– Câu chuyện là lời nhắc nhở ý nghĩa cho mỗi chúng ta, rằng sự vô tâm có thể làm tổn thương không chỉ người khác, mà còn chính chúng ta trong tương lai.