Đọc văn bản sau:
CÔ HÀNG XÉN
[…] Bữa cơm ngon lành quá. Tâm ngồi ăn dưới con mắt hiền từ và thương mến của mẹ. Các em cô quây quần cả chung quanh, hỏi chuyện chợ búa của chị. Tâm ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt thơ ngây lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em: cô thấy lòng đầm ấm và tự kiêu, lòng người chị chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học […]
( Trích )
-Thạch Lam-Tâm biết mình xinh nhất chợ. Bọn con trai cứ hay quanh quẩn chỗ cô ngồi và buông lời chòng ghẹo. Nhưng cô không để ý: Tâm thấy vững vàng ở giá trị và lòng cao quý của mình. Nàng đã đảm đang nuôi cả một nhà, với lại, trừ phi là cô gái hư không kể, còn ai ở địa vị nàng cũng phải tảo tần buôn bán như thế. [….]
Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng; mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên, mùi quen của quê hương và của đất mầu khiến Tâm thấy dễ chịu và thêm can đảm. Nàng rảo bước cho mau chóng đến chợ.
Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi. Chịu khó, chịu khó từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi. Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa; tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều nhau. Có phải đâu chỉ một mình cô; trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em. [….]
Ngày về nhà chồng, Tâm buồn rầu không thiết gì trang điểm. Nàng gọi các em vào trong buồng để từ biệt: Lân và Ái níu lấy cổ, Tâm quấn quýt không muốn rời ra. Nàng âu yếm dặn dò:
– Các em ở nhà chịu khó ăn học nhé, đừng để cho thầy u phải phiền lòng. Rồi tháng tháng chị sẽ gửi tiền về cho các em tiêu. […]
Về nhà chồng được vài hôm, Tâm lại phải đi bán hàng ngay để khỏi mất mấy phiên chợ tết. Nhà chồng nàng cũng nghèo, nhà cửa không có gì. Cậu Bài dạy học trong làng được dăm bảy đồng bạc lương. Bao nhiêu việc chi tiêu trong nhà lại trông cả vào mình nàng.
Bây giờ gánh hàng trở nên nặng quá trên đôi vai nhỏ bé. Chiếc đòn gánh càng cong xuống và rên rỉ. Ngoài giang sơn nhà chồng nàng phải gánh vác, Tâm lại còn lo sao kiếm được đủ tiền để thêm cho các em ăn học. Trong sương muối sớm rét và giá lạnh, nàng đã phải bước ra ngõ để đi chợ rồi. Trên con đường mấp mô và đất rắn, Tâm bước những bước nhỏ và mau. Đời nàng lại khó nhọc và cố sức kế tiếp nhau.
( Tóm đoạn cuối: Tâm sinh con, chồng Tâm lại thôi dạy học, gánh nặng càng trút lên nàng. Lần trở về thăm nhà, thương Lân lên tỉnh học không có tiền, Tâm đưa hết số tiền định trang trải các công nợ và lo sưu thuế cho Bài, nàng đưa hết cho em. Trên đường về nhà, Cái vòng đen của rặng tre làng Bàng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dầy đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau trong ngõ tối.)
(Trích “Cô hàng xén”-Thạch Lam2, NXB Văn hóa Thông tin, 2007, tr. 164-165)
Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản trên.
Câu 2. Nêu ngắn gọn những sự kiện chính trong văn bản.
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn sau: “Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa; tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều nhau”.
Câu 4. Nhận xét về một phẩm chất của nhân vật Tâm được thể hiện trong câu văn sau: Ngoài giang sơn nhà chồng nàng phải gánh vác, Tâm lại còn lo sao kiếm được đủ tiền để thêm cho các em ăn học.
Câu 5. Từ đoạn trích “Cô hàng xén”, anh/chị hãy liên hệ đến một tác phẩm khác có cùng phong cách sáng tác. Lí giải ngắn gọn một nét tương đồng (khoảng 5-7 dòng).
Câu 6. Dựa vào ngữ liệu của phần Đọc hiểu, anh/ chị viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá một nét nghệ thuật trong đoạn trích “ Cô hàng xén” của Thạch Lam.