Đọc hiểu thơ: Thử nói về hạnh phúc của Thanh Thảo

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Những tình yêu thật thường không ồn ào
chúng tôi hiểu đất nước đang hồi khốc liệt
chúng tôi hiểu điều ấy bằng mọi giác quan
bằng chén cơm ăn mắm ruốc
bằng giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc
bằng những nắm đất mọc theo đường hành quân
có những thằng con trai mười tám tuổi
chưa từng biết nụ hôn người con gái
chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời
câu nói đượm nhiều hơi sách vở
khi nằm xuống
trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời
hạnh phúc nào cho tôi
hạnh phúc nào cho anh
hạnh phúc nào cho chúng ta
hạnh phúc nào cho đất nước
có những thằng con trai mười tám tuổi
nhiều khi cực quá, khóc ào
nhiều lúc tức mình chửi bâng quơ
phanh ngực áo và mở trần bản chất
mỉm cười trước những lời lẽ quá to
nhưng nhất định không bao giờ bỏ cuộc.

(Trích Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo, Thơ hay Việt Nam thế kỷ XX, NXB Văn hóa Thông tin, 2006)

Đọc hiểu thơ: Thử nói về hạnh phúc của Thanh Thảo

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.

Click vào đây để xem đáp án

Thể thơ tự do.

Câu 2. Hãy chỉ ra những khó khăn của đất nước trong hồi khốc liệt được nhắc đến trong đoạn trích trên.

Click vào đây để xem đáp án

– Những khó khăn được nhắc tới: chén cơm mắm ruốc (sinh hoạt đạm bạc), giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc (bom đạn khốc liệt), nắm đất mọc theo đường hành quân (chết chóc, hy sinh).

Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về những trăn trở của tác giả: hạnh phúc nào cho tôi/hạnh phúc nào cho anh/hạnh phúc nào cho chúng ta/hạnh phúc nào cho đất nước.

Click vào đây để xem đáp án

– Sự trăn trở, nghĩ suy của người lính trẻ về hạnh phúc của mỗi cá nhân, của mọi người và của đất nước.
– Thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân trước vận mệnh của dân tộc.

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm Những tình yêu thật thường không ồn ào không? Vì sao?

Click vào đây để xem đáp án

– Nêu rõ quan điểm bản thân: đồng tình hay không đồng tình. Lí giải hợp lí, thuyết phục.

+ Đồng tình: Những tình yêu thật thường không ồn ào là cách thể hiện tình yêu chân thành, giản dị bằng hành động cụ thể, giản đơn mà ý nghĩa. Những tình cảm chân thật không nhất thiết phải nói ra bằng lời hoa mĩ hay thể hiện bằng hành động khoa trương.

+ Không đồng tình: Trong một số trường hợp đặc biệt, tình cảm lớn lao cũng cần được thể hiện bằng hành động phi thường có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa trong xã hội.

+ Vừa đồng tình, vừa không đồng tình: kết hợp cả hai ý trên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *