Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:
MẸ TÔI
Con cò lặn lội bờ sông
Lam lũ nuôi chồng, nuôi cả đàn con
Tháng năm thân mẹ hao mòn
Sớm khuya vất vả, héo hon khô gầy
Cho con cuộc sống hàng ngày
Dạy con khôn lớn dựng xây cuộc đời
Lẽ thường nước mắt chảy xuôi
Vu Lan nhớ mẹ, con ngồi lệ tuôn
Biển khơi, nhờ có nước nguồn
Phận con chưa kịp đền ơn cao dày
Tâm nhang, thấu tận trời mây
Cầu hương linh mẹ, tháng ngày thảnh thơi
Cửu tuyền(1) , mẹ hãy ngậm cười
Cha sinh, mẹ dưỡng, một đời tri ân.Phạm Văn Ngoạn
(Nguồn: https://www.webtretho.com/f/sach-truyen-tho/top-12-bai-tho-luc-bat-hay-ve-cha-me)
(1) : Cửu tuyền: cửu: chín; tuyền: suối; chín suối, tức là âm phủ.
Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Tự do
B. Lục bát
C. Bốn chữ
D. Năm chữ
Câu 2: Nhân vật trong bài thơ được nói đến là ai?
A. Mẹ
B. Cha
C. Bà
D. Con
Câu 3: Hãy chỉ ra cách ngắt nhịp trong hai câu thơ sau:
“Tháng năm thân mẹ hao mòn
Sớm khuya vất vả, héo hon khô gầy”
A. 3/3 và 4/4
B. 2/2/ 2 và 6/2
C. 2/2/2 và 3/3/2
D. 2/2/2 và 4/4
Câu 4: Trong câu thơ “Con cò lặn lội bờ sông – Lam lũ nuôi chồng, nuôi cả đàn con” tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
A. So sánh
B. Nhân hóa
C. Ẩn dụ
D. Hoán dụ
Câu 5: Trong các từ sau đây, từ nào là từ láy?
A. Héo hon
B. Sớm khuya
C. Khô gầy
D. Bờ sông
Câu 6: Hình ảnh ẩn dụ nào nói đến người mẹ trong bài thơ?
A. Bờ sông
B. Con cò
C. Sớm khuya
D. Cửu tuyền
Câu 7: Tác dụng của yếu tố tự sự trong hai câu thơ sau là gì?
Cho con cuộc sống hàng ngày
Dạy con khôn lớn dựng xây cuộc đời
A. Công lao to lớn của cha mẹ đối với con cái.
B. Kể về công việc của con cò.
C. Làm nổi bật hình ảnh người mẹ.
D. Làm nổi bật hình ảnh người cha.
Câu 8: Các từ ngữ: “hao mòn”, “khô gầy” trong bài thơ có tác dụng gì?
A. Làm nổi bật hình ảnh con cò.
B. Nói đến những việc làm của người cha.
C. Miêu tả tình cảm của người con.
D. Nói lên nỗi vất vả của người mẹ.
Câu 9: Theo em, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ.
Câu 10: Từ thông điệp của bài thơ, em có cách ứng xử như thế nào với cha mẹ mình?