Đọc hiểu thơ: Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy

Đọc văn bản sau rồi thực hiện các yêu cầu bên dưới:

HƠI ẤM Ổ RƠM

Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
– Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò

Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.

Bình Lục – một đêm lỡ đường

(Nguyễn Duy, Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân, 1973)

Đọc hiểu thơ: Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản trên?

Click vào đây để xem đáp án

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Vì sao em biết?

Click vào đây để xem đáp án

– Nhân vật trữ tình trong bài thơ là nhân vật “tôi” – người lính (nhà thơ).

– Vì nhân vật trực tiếp thể hiện tư tưởng tình cảm trong đoạn thơ.

Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu thơ “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm”.

Click vào đây để xem đáp án

– Biện pháp so sánh:rơm vàng bọc tôi được so sánh với kén bọc tằm.

– Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ.

+ Thể hiện sự ấm áp, hạnh phúc, cảm động về nghĩa tình người mẹ đồng chiêm dành cho mình.

+ Qua đó bộc lộ tình cảm trân trọng,lòng biết ơn dành cho người mẹ đồng chiêm

Câu 4: Nêu ngắn gọn suy ngẫm và cảm xúc của nhân vật trữ tình trong khổ thơ:

Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.

Click vào đây để xem đáp án

– Suy ngẫm và cảm xúc của nhân vật trữ tình:

+ Suy ngẫm về tình người, về vẻ đẹp bình dị của quê hương. Hạt gạo nuôi dưỡng sự sống của tất thảy mọi người. Nhưng hơi ấm của rơm, hương thơm của lúa, hơi ấm của lòng người lại cho con người một giá trị khác mà không phải ai cũng cảm nhận được. Vẻ đẹp thân thuộc, bình dị của quê hương, tình yêu thương giản dị, chân thành đã nuôi dưỡng tinh thần, bồi đắp tâm hồn con người.

+ Xúc động mãnh liệt, biết ơn sâu sắc của người lính trước tình yêu thương, sự chăm sóc bình dị của người mẹ đồng chiêm.

Câu 5. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh người mẹ trong đoạn thơ trên.

Click vào đây để xem đáp án

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong bài thơ:

+ Hình ảnh người mẹ trong đoạn thơ “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy hiện lên với tất cả sự giản dị, ấm áp và tình cảm chân thành. Người mẹ đón tiếp vị khách lỡ đường trong căn nhà tranh nhỏ bé, đầy khiêm nhường, nhưng luôn sẵn lòng chia sẻ những gì mình có. Dù “nhà mẹ hẹp,” “chiếu chăn chả đủ,” nhưng mẹ không ngần ngại ôm rơm lót ổ cho khách nằm, thể hiện lòng hiếu khách và tình thương vô bờ bến.

+ Người mẹ trong đoạn thơ không chỉ hiện diện với tấm lòng nhân hậu mà còn mang trong mình sự mộc mạc và gần gũi của làng quê. Hơi ấm từ những cọng rơm xơ xác gầy gò, tuy đơn sơ nhưng lại ấm áp hơn cả chăn đệm sang trọng, làm nổi bật giá trị của tình người và lòng tốt. Sự chăm sóc của mẹ tạo nên “hương mật ong của ruộng,” một thứ hương vị ngọt ngào, êm dịu và thân thuộc, mang lại sự bình yên và an lòng cho người lữ khách.

+ Qua hình ảnh người mẹ, tác giả cũng khéo léo nhấn mạnh sự quý giá của những điều giản dị, mộc mạc trong cuộc sống. Hơi ấm từ rơm và lòng hiếu khách của mẹ là biểu tượng cho sự ấm áp và tình cảm chân thành mà không phải ai cũng có thể cảm nhận và chia sẻ. Người mẹ trong bài thơ là hiện thân của sự bao dung, lòng nhân hậu và tình thương yêu vô điều kiện, khiến người đọc không khỏi xúc động và trân trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *