Đọc hiểu thơ: Hoa Lư của Trần Đăng Khoa

Đọc văn bản sau:

Hoa Lư

Chiều mờ non nước cũ
Bóng kinh thành khói bay
Những vui buồn trận mạc
Còn nhuốm vào cỏ cây.

Ngẩng nhìn núi Mã Yên
Mây ngàn năm phủ trắng
Người xưa đang nói gì
Mà đất trời im lặng?

Đường cỏ lơ mơ nắng
Mái tranh chim chơi vơi
Vài tán cau mộc mạc
Thả hồn quê lên trời

Chợt nhớ Đinh Bộ Lĩnh
Chẳng thấy một nhành lau
Tôi cúi đầu kính cẩn
Vái mấy ngài chăn trâu…

(Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2007)

Đọc hiểu thơ: Hoa Lư của Trần Đăng Khoa

*Chú thích:
– Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông làm thơ từ rất sớm, lên 8 tuổi, đã có thơ đăng báo, được coi là thần đồng thơ ca. Các bài thơ của ông thường viết về cuộc sống thiên nhiên, ngôn ngữ mộc mạc, giọng điệu bình dị, sâu lắng, bộc lộ tình yêu chân thành, tha thiết của nhà thơ với con người, thiên nhiên, đất nước.

– Hoa Lư là vùng đất kinh đô cũ ở Ninh Bình, gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử như: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Dương Vân Nga, Lý Công Uẩn,…

Câu 1: Cảnh sắc Hoa Lư hiện lên như thế nào trong khổ thơ đầu?

Chiều mờ non nước cũ
Bóng kinh thành khói bay
Những vui buồn trận mạc
Còn nhuốm vào cỏ cây.

Click vào đây để xem đáp án

Cảnh sắc Hoa Lư hiện lên trong khổ thơ thứ nhất:

– Nhà thơ đến Hoa Lư vào một buổi chiều tà, trong ánh nắng, làn khói cuối ngày, thành quách, núi non, cỏ cây,… thật thanh vắng, yên bình.

– Cảnh sắc nơi đây lặng lẽ trầm tư, như nhuốm màu lịch sử, phảng phất bóng dáng những biến cố thăng trầm, buồn vui thế sự cuộc đời,…

Câu 2: Phân tích giá trị biểu đạt của các từ láy trong khổ thơ:

Đường cỏ lơ mơ nắng
Mái tranh chim chơi vơi
Vài tán cau mộc mạc
Thả hồn quê lên trời

Click vào đây để xem đáp án

Phân tích giá trị biểu đạt của việc sử dụng liên tiếp các từ láy trong khổ thơ: lơ mơ, chơi vơi, mộc mạc:

– Làm cho các câu thơ thêm mềm mại uyển chuyển, tạo nên giọng điệu trầm lắng, man mác cho khổ thơ.

– Làm tăng tính hình tượng cho các hình ảnh thơ: gợi tả sinh động khung cảnh vùng quê đơn sơ, mộc mạc, tĩnh lặng thanh bình trong chiều tà

– Bộc lộ tâm trạng bồi hồi, xúc động, hoài niệm, suy ngẫm của nhà thơ khi đứng trên một mảnh đất lịch sử hào hùng của dân tộc.

Câu 3: Anh/ chị có suy nghĩ gì về tư tưởng tình cảm, tài năng của nhà thơ Trần Đăng Khoa thể hiện trong bài thơ trên?

Click vào đây để xem đáp án

– Tư tưởng tình cảm: tình yêu tha thiết với cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống con người quê hương đất nước; tinh thần dân tộc cao luôn trân trọng tự hào tưởng nhớ về lịch sử của Tổ quốc mình; mến yêu, tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay.

– Tài năng: tứ thơ, ngôn ngữ, hình ảnh dung dị thân thương mà giàu sức gợi tả gợi cảm,..

Câu 4: Bài thơ cho anh/chị bài học sâu sắc gì về thái độ ứng xử với quá khứ của đất nước, dân tộc?

Click vào đây để xem đáp án

Gợi ý:

– Sống ân nghĩa uống nước nhớ nguồn tích cực tìm hiểu về quá khứ của dân tộc, đất nước; biết ơn các thế hệ đi trước đã cống hiến hi sinh

– Phải tích cực bồi đắp tinh thần dân tộc, tôn trọng sự thật lịch sử, không được phép xuyên tạc bôi nhọ lịch sử, lấy lịch sử làm điểm tựa để hướng tới tương lai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *