Đọc ngữ liệu sau:
AI DÁM THỬ SỨC MÌNH?
(1)“Tuổi thanh xuân là phải tạo ra thanh xuân cho cuộc sống. Đừng để những yêu thương dang dở trong hành trình tìm kiếm yêu thương. Đừng để sự lỡ làng của tình yêu thương không còn cơ hội trao gửi cho những người ta cần trao gửi. Đừng buông tay và đừng buông bỏ những số phận con người. Đừng để những lời chưa kịp nói mãi mãi rơi vào trong khoảng thinh không và lịm tắt.
(2) Trong muôn ngã rẽ cuộc đời, không ít người chọn lối an toàn cho chính mình, vì cho rằng gian nan đã có người gánh vác. Rồi trong yêu thương cuộc sống, không ít kẻ chỉ muốn nhận yêu thương mà không hề một lần trao gửi cho ai. Rồi không ít bạn trẻ đang loay hoay trên từng bàn phím, vùi đầu vào mộng ảo khi ngoài kia bão giông đang hoành hành trên Đất Mẹ.”
(Trích “Những lời chia sẻ”, Nguyễn Văn Minh, NXB Đại học Sư phạm, 2023, tr.240)

Câu 1. Để trả lời cho câu hỏi: “Ai dám thử sức mình?”, tác giả đã lập luận bằng cách nào?
Click vào đây để xem đáp án
* Chỉ ra cách lập luận của tác giả:
– Đoạn 1: mở đầu bằng lời khẳng định: Tuổi thanh xuân là phải tạo ra thanh xuân cho cuộc sống.
+ Những câu tiếp theo là hàng loạt câu cầu khiến: nhắc nhở những người trẻ tuổi muốn tạo ra thanh xuân cho cuộc sống thì nên sống biết yêu thương, quan tâm mọi người…
+ Trên cơ sở lập luận ở đoạn 1, đến đoạn 2 tác giả phê phán lối sống an toàn, vô cảm, ích kỉ, hưởng thụ, kể cả người trẻ tuổi.
* Nhận xét: lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, thuyết phục
Câu 2. Việc sử dụng một loạt kiểu câu có cấu trúc lặp lại “Đừng để…”, “Đừng…” trong đoạn trích (1) có tác dụng gì?
Click vào đây để xem đáp án
– Các câu có cấu trúc lặp lại nhau: “Đừng để…”, “Đừng..” trong đoạn 1 có tác dụng:
+ Làm cho đoạn văn nghị luận trở nên khúc triết, giọng điệu mạnh mẽ, khoẻ khoắn, tăng tính thuyết phục.
+ Tác động đến đối tượng mà văn bản hướng tới: người trẻ tuổi. Từ đó mà lời khuyên nhủ, nhắc nhở thêm thấm thía, sâu sắc.
+ Góp phần bộc lộ thái độ của người viết: đó là người rất quan tâm đến cuộc sống chung đồng thời rất quan tâm tới thế hệ trẻ; rất mong muốn và đợi chờ cũng như đặt niềm tin vào họ…
Câu 3. Anh/chị có đồng tình với ý kiến của tác giả : “Trong muôn ngã rẽ cuộc đời, không ít người chọn lối an toàn cho chính mình, vì cho rằng gian nan đã có người gánh vác.” hay không? Vì sao?
Click vào đây để xem đáp án
Gợi ý:
– Đồng tình: Vì thực tế vẫn có một số ít người còn do dự khi chọn đường, không dám thử sức mình trước những con đường mới chưa ai đi và chọn cho mình lối an toàn nhất. Bởi họ e sợ sẽ thất bại, sợ mạo hiểm, sợ khó…. Đó là lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỉ…đáng phê phán.
– Không đồng tình: Vì trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều người, nhất là người trẻ tuổi, họ vô cùng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…sống có trách nhiệm…
Câu 4. Từ ngữ liệu trên, anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của những người trẻ tuổi hiện nay đối với đất nước?
Click vào đây để xem đáp án
Gợi ý:
– Nâng cao kiến thức và kĩ năng: để hoàn thành tốt công việc của mình, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của dân tộc, đất nước;
– Có tinh thần độc lập: xây dựng cuộc sống no ấm đủ đầy cho bản thân bằng chính năng lực của mình;
– Có trách nhiệm với những vấn đề chung của đất nước: bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình;
– Có lòng dũng cảm: dám là người đi đầu, không sợ sai, không sợ khó…