Đọc hiểu thơ: Chung Nghĩa Đồng Bào của Trương Ngọc Ánh

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Chung nghĩa đồng bào 

                                 Tác giả: Trương Ngọc Ánh 

Bao sinh linh oằn trong sóng dữ

Mắt người bầm chớp giật mưa chan

Bao thảm cảnh trời nghiêng núi lở

Biết mấy đau thương ập xuống cơ hàn

Những phận người trôi theo bọt lũ

Sóng Thủy Tinh cuộn đỏ Hồng Hà

Những mái ấm bỗng vùi trong lòng đất

Miền Bắc đau khi bão tố tràn qua

Vâng là nỗi đau quặn thắt

Ơi bí bầu chung núm ruột liền nhau

Một miếng sẻ chia tình đồng bào cao cả

Nối vòng tay bắc lại nhịp cầu

Cơn ấm lạnh thấm vào tình dân tộc

Ngựa chung tàu đâu quản buổi gian nan

Tình ruột thịt vỗ về nhân ái

Chảy hồng tươi dòng máu Việt Nam.

  (Báo Mới trang thông tin điện tử 11/9/2024 – Những trang thơ xúc động viết về cơn bão Yagi) 

Chung Nghĩa Đồng Bào của Trương Ngọc Ánh

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định thể thơ của văn bản.

Gợi ý: Thể thơ của văn bản cần dựa trên cách sắp xếp câu chữ và cấu trúc nhịp điệu.

Click vào đây để xem đáp án
  • Thể thơ: Tự do

Câu 2 (1,0 điểm): Ghi lại những từ ngữ khắc họa hình ảnh cơn bão Yagi mà tác giả sử dụng trong bốn dòng thơ đầu. Qua những từ ngữ đó, cơn bão Yagi hiện lên như thế nào trong tâm trí của tác giả?

Gợi ý: Tìm các từ ngữ miêu tả về sức mạnh và hậu quả của cơn bão trong đoạn đầu bài thơ.

Click vào đây để xem đáp án
  • Những từ ngữ khắc họa: sóng dữ, chớp giật, mưa chan, trời nghiêng núi lở.
  • Qua những từ ngữ đó, cơn bão Yagi hiện lên như: Một cơn bão lịch sử với sức càn quét kinh hoàng, gây ra nhiều thảm cảnh, đau thương, và mất mát.

Câu 3 (0,5 điểm): Em hiểu thế nào về hình ảnh “Bao sinh linh oằn trong sóng dữ”?

Gợi ý: Hình ảnh này mang ý nghĩa biểu đạt tình trạng đau đớn và bất lực trước thiên tai.

Click vào đây để xem đáp án
  • Con người và vạn vật gồng mình chống lại sóng dữ.
  • Sự sống bị đe dọa, gợi lên đau thương và mất mát.
  • Cảnh tượng kinh hoàng thể hiện sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão.

Câu 4 (1,0 điểm): Chỉ ra một biện pháp tu từ và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ:

Những mái ấm bỗng vùi trong lòng đất
Miền Bắc đau khi bão tố tràn qua

Gợi ý: Tìm kiếm các biện pháp tu từ như nhân hóa, hoán dụ hoặc ẩn dụ.

Click vào đây để xem đáp án
  • Biện pháp tu từ: Nhân hóa hoặc hoán dụ.
  • Hiệu quả:
    • Nhân hóa “Miền Bắc đau” làm cho thiên tai trở nên gần gũi, dễ cảm nhận. Miền Bắc được gợi lên như một thực thể sống, chịu đau thương từ thiên tai.
    • Hoán dụ “Những mái ấm” tượng trưng cho những gia đình, tổ ấm bị tàn phá. Qua đó, nhấn mạnh hậu quả nặng nề của bão tố đến con người.

Câu 5 (1,0 điểm): Theo em, cần làm gì để giảm thiểu sự biến đổi khí hậu ở nước ta nói riêng và toàn cầu nói chung?

Gợi ý: Liên hệ thực tế để đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Click vào đây để xem đáp án
  • Nhận thức: Hiểu rõ tác hại của biến đổi khí hậu và ý nghĩa của việc ngăn chặn.
  • Hành động:
    • Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.
    • Sử dụng phương tiện ít ô nhiễm và giảm rác thải nhựa.
    • Trồng cây xanh và bảo vệ tài nguyên rừng.
    • Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
    • Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Phân tích ý nghĩa hình ảnh “tình ruột thịt vỗ về nhân ái” trong bài thơ “Chung nghĩa đồng bào”.

Câu hỏi 2: Tìm và nêu các từ ngữ trong bài thơ thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc trước thiên tai.

Câu hỏi 3: Vì sao tác giả lại sử dụng hình ảnh “chảy hồng tươi dòng máu Việt Nam”? Em hiểu hình ảnh đó như thế nào?

Câu hỏi 4: Hãy chỉ ra các yếu tố ngôn ngữ trong bài thơ giúp truyền tải cảm xúc đau thương và ý chí vượt qua thiên tai.

Câu hỏi 5: Viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) trình bày suy nghĩ của em về tình đoàn kết dân tộc qua bài thơ “Chung nghĩa đồng bào”.

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu thơ Chung Nghĩa Đồng Bào của Trương Ngọc Ánh được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *