PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
TIKTOK VÀ NHỮNG CHUYÊN GIA TỰ PHONG
* Trong khi những người thật sự có vấn đề về sức khỏe tinh thần âm thầm chịu đựng trong đời sống thực, trên không gian ảo lại đầy rẫy những chuyên gia tự xưng, ban phát lời khuyên, tư vấn, thậm chí chẩn đoán sức khỏe tinh thần trực tuyến.
(Nguồn: Boston Globe)
Theo khảo sát công bố hồi tháng 2 của hãng nghiên cứu và tư vấn thị trường Hall & Partners, hơn 59 triệu người Mỹ đã tìm kiếm lời khuyên liên quan đến sức khỏe từ những người có ảnh hưởng trên TikTok và Instagram.
Xu hướng đặc biệt rõ rệt ở thế hệ trẻ, với 1/3 thế hệ Z và hơn 1/4 thế hệ Y chuyển sang các nền tảng này để hiểu rõ hơn về các tình trạng mạn tính và các tình huống khó xử về sức khỏe. Ngược lại, chỉ có 5% người thuộc thế hệ X chọn cách tương tự.
Các video dài một phút hoặc bài viết ngắn gọn không thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề phức tạp và có thể vô tình tạo ra thiên kiến xác nhận – xảy ra khi các cá nhân đã có sẵn một lý thuyết hoặc niềm tin và họ tìm kiếm nội dung củng cố nó, có khả năng dẫn đến những nhãn dán vội vàng về vấn đề sức khỏe.
* Nghe chuyện người, tự chẩn đoán mình
Là người dùng TikTok, Andrea Tarantella, chuyên gia cố vấn được cấp phép tại Mỹ, thường xuyên chứng kiến các vấn đề sức khỏe tâm thần được chia sẻ và thảo luận trên nền tảng này.
“Những lời khuyên mang tính kể chuyện và chỉ là kinh nghiệm cá nhân thường đơn giản hóa quá mức các vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp. Nhiều người dùng vào xem các nội dung này và sau đó bình luận, tự chẩn đoán mình mắc các chứng như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hay tự kỷ” – cô nói với Medical News Today.
Mặc dù ở góc độ nào đó, các câu chuyện cá nhân có thể là sự thật, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng chúng không nên được áp dụng rộng rãi hay khiến mọi người hiểu nhầm là “chắc chắn sẽ xảy ra”.
Trả lời kênh CNBC-TV18, tiến sĩ Sangeetha Reddy, nhà tâm lý học tư vấn ở Hyderabad (Ấn Độ), cho rằng suy nghĩ thông thường của người xem là nếu người A đang trải qua điều gì đó mà họ cũng đang trải qua thì cả hai người đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần giống nhau, hoặc nếu người A đưa ra lời khuyên thì việc làm theo cũng có thể giúp ích cho họ. Nhưng điều này không đúng. Ông Reddy nhấn mạnh tuyệt đối không nên tự chẩn đoán dựa trên kinh nghiệm cá nhân của người khác.
Tiến sĩ Alex Dimitriu, chuyên gia tâm thần học, cảnh báo việc tự chẩn đoán và quyết định kế hoạch điều trị dựa trên tư vấn trực tuyến, mang tính trải nghiệm cá nhân hoặc thương mại có thể trì hoãn sự trợ giúp của chuyên gia, gây hại cho người bệnh.
Theo Tarantella, thiếu niên và thanh niên là hai đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nhất trước thông tin trôi nổi về sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội. Hai nhóm này vẫn đang phát triển tư duy phản biện cần thiết để phân biệt giữa những thông tin đáng tin cậy và sai lệch. Bên cạnh đó, định dạng video ngắn cũng gián tiếp loại bỏ các sắc thái quan trọng liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần.
Ngoài ra, việc tự chẩn đoán dựa trên lời khuyên trực tuyến cũng không cung cấp hiểu biết toàn diện về hoàn cảnh và thách thức riêng của một cá nhân.
* Vì sao người trẻ thích “chuyên gia” TikTok?
Có nhiều lý do thế hệ trẻ chọn mạng xã hội để tìm tư vấn về sức khỏe tâm thần. Diksha Sharma, 19 tuổi, nói với CNBC-TV18 rằng sau khi được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm nhẹ, cô tìm kiếm các video về sức khỏe tâm thần chỉ để cảm thấy mình không đơn độc, đọc các bình luận để có cảm giác cộng đồng.
Theo Taneesha Mirwani, một người sáng tạo nội dung 20 tuổi, vì chủ đề sức khỏe tâm thần nói chung bị kỳ thị nên các nền tảng video ngắn thường là một trong những nguồn ít ỏi mà người trẻ tuổi chọn tiếp cận.
Với Robin Kurian, 26 tuổi, cũng là người sáng tạo nội dung, video ngắn có vẻ dễ tiếp thu và theo dõi hơn là đọc tài liệu hoặc đi trị liệu. Do đó, mọi người thường tìm kiếm trên mạng xã hội và kết thúc ở các video này – cung cấp thông tin ngắn gọn trong vòng một phút, thậm chí ít hơn, để chẩn đoán các triệu chứng tâm thần và đề ra giải pháp.[…] Như vậy, mạng xã hội, với khả năng làm giảm sự kỳ thị và tạo điều kiện cho các câu hỏi trực tuyến, đã tạo ra một kiểu “tâm lý học đại chúng” (pop psychology), với những lời khuyên đơn giản về sức khỏe tâm thần.(Nguồn: Vanessa Tam/ https://www.redandblack.com )
Theo một nghiên cứu của PlushCare được công bố tháng 11-2022, phần lớn lời khuyên về sức khỏe tâm thần trên TikTok (khoảng 83,7%)có thể không đáng tin cậy. Ngoài ra, khoảng 14,2% video chứa nội dung có thể gây hại.
Nghiên cứu cũng phát hiện chỉ 9% cá nhân đưa ra hướng dẫn về sức khỏe tâm thần trên TikTok có thông tin xác thực phù hợp. Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Tâm Thần Học Canada cho thấy 52% trong số 100 video TikTok hàng đầu thảo luận về ADHD được phát hiện là không chính xác hoặc gây hiểu nhầm.
Theo các chuyên gia, một vấn đề quan trọng khác của “tâm lý học đại chúng” là nó tầm thường hóa những cuộc đấu tranh thực sự của những người mắc chứng rối loạn. Một nghiên cứu trên 2.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ được CharityRx công bố vào tháng 12-2022 cho thấy 33% thế hệ Z tin tưởng TikTok hơn bác sĩ.
Một cách để lý giải con số này là mọi người có xu hướng tin vào kinh nghiệm cá nhân hơn là các chuyên gia có bằng cấp và bài báo khoa học hấp dẫn. Đối với một số người, tính kết nối quan trọng hơn bằng cấp của một bác sĩ y khoa hoặc một chuyên gia y tế. Đó là lý do nhiều người dễ dàng tin vào điều không đúng sự thật, chỉ vì chúng được nói ra bởi người họ cảm thấy thân thiết. Sức mạnh của trải nghiệm cá nhân và sự kết nối đi kèm mạng xã hội thúc đẩy mọi người tìm đến những người sáng tạo nội dung về sức khỏe tâm thần hơn là các chuyên gia.
Theo các chuyên gia, mạng xã hội vẫn có những tác dụng nhất định trong việc cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe tinh thần, bao gồm tư vấn trực tuyến. Tuy nhiên, người dùng cần phải tiếp cận hết sức cẩn trọng và đa chiều.
“Việc chỉ đưa ra một chút kiến thức là điều nguy hiểm. Hãy xem người đưa ra các lời khuyên và khuyến nghị là ai, đến từ đâu và đã trải qua những khóa đào tạo nào. Đảm bảo rằng đó không phải là hoạt động tiếp thị một số sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng được che giấu kỹ lưỡng” – tiến sĩ Dimitriu nói với Medical News Today.
Ngoài ra, khi xác thực thông tin, không nên sử dụng mạng xã hội mà cần truy cập các nguồn đáng tin cậy, ví dụ từ chính phủ, nền tảng hoặc dịch vụ trực tiếp chuyên nghiệp… Nếu các triệu chứng đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ, khả năng ngủ, ăn hoặc thư giãn thì người bệnh cần làm việc với một chuyên gia đã được kiểm chứng thay vì lên mạng tìm câu trả lời.(Theo Bình Minh, Báo tuổi trẻ – Tuổi trẻ cuối tuần, https://cuoituan.tuoitre.vn/, ngày 29/11/2023)
Câu 1: Xác định một phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản
Gợi ý: Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ không sử dụng từ ngữ để truyền đạt, mà sử dụng hình ảnh, biểu đồ, số liệu, hoặc các yếu tố trực quan khác.
Câu 2: Chỉ ra lí do vì sao người trẻ thích “chuyên gia” TikTok được thể hiện trong văn bản
Gợi ý: Tìm lý do mà người trẻ tìm kiếm tư vấn từ các video ngắn trên TikTok thay vì từ chuyên gia.
Câu 3: Nêu tác dụng của việc trích dẫn các số liệu trong đoạn văn sau:
Theo một nghiên cứu của PlushCare được công bố tháng 11-2022, phần lớn lời khuyên về sức khỏe tâm thần trên TikTok (khoảng 83,7%) có thể không đáng tin cậy. Ngoài ra, khoảng 14,2% video chứa nội dung có thể gây hại.
Gợi ý: Xem tác dụng của số liệu trong việc làm rõ sự tin cậy của lời khuyên trên TikTok.
Câu 4: Nêu mục đích của người viết được thể hiện trong văn bản
Gợi ý: Xác định mục đích của người viết khi đề cập đến việc sử dụng TikTok và các vấn đề sức khỏe.
Câu 5: Anh/chị hãy đề xuất những giải pháp cụ thể để sử dụng TikTok một cách có hiệu quả trong cuộc sống
Gợi ý: Đưa ra các giải pháp nhằm sử dụng TikTok một cách thông minh và hiệu quả.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Tại sao việc tự chẩn đoán các vấn đề sức khỏe tâm thần qua mạng xã hội có thể gây hại?
Sau khi hoàn thành câu hỏi, ghi dòng dưới.
Câu hỏi 2: Theo bạn, tại sao giới trẻ lại dễ bị ảnh hưởng bởi các lời khuyên về sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội?
Sau khi hoàn thành câu hỏi, ghi dòng dưới.
Câu hỏi 3: Những vấn đề gì mà người trẻ có thể gặp phải khi tiếp nhận lời khuyên về sức khỏe tinh thần trên TikTok?
Sau khi hoàn thành câu hỏi, ghi dòng dưới.
Câu hỏi 4: Làm thế nào để phân biệt giữa thông tin đáng tin cậy và thông tin sai lệch về sức khỏe trên mạng xã hội?
Sau khi hoàn thành câu hỏi, ghi dòng dưới.
Câu hỏi 5: Bạn nghĩ gì về việc các video ngắn có thể giúp giới trẻ hiểu thêm về các vấn đề sức khỏe tâm thần?
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!