Đọc đoạn trích sau:
Sự chia sẻ phải bắt nguồn từ mong muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, khơi dậy niềm tin và lòng can đảm đương đầu với nghịch cảnh để tạo nên sự khác biệt cho đời. Mẹ Teresa là một tấm gương điển hình về sự chia sẻ hạnh phúc. Mẹ đã tìm thấy sự mãn nguyện trong cuộc sống khi tận tâm giúp đỡ và làm thay đổi vẻ mặt của những người hấp hối từ chỗ đầy buồn đau, sợ hãi đến trạng thái thanh thản và bình an. Bằng cách cống hiến đời mình cho người khác, mẹ đã góp phần làm dịu bớt nỗi đau và giúp họ thêm can đảm.
Tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện ngụ ngôn thú vị: Có một người sắp chết đuối, mọi người vây quanh hô lớn: “Hãy đưa tay ông ra cho chúng tôi cứu!” nhưng ông ta lưỡng lự để rồi vật vã chống cự với dòng nước. Cuối cùng, có người đã nói: “Hãy nắm lấy tay tôi đi!” và ngay lập tức, ông ta đã nắm chặt lấy! Sự khác nhau đó là gì? Rõ ràng người đàn ông trong câu chuyện này thường được nhận nhiều hơn là cho đi và ông ta đã suýt chết vì chỉ muốn được nhận!
Nếu lâu nay bạn vẫn cảm thấy hoặc tự cho mình là một người bất hạnh trong cuộc sống, bạn hãy thử làm cho người khác hạnh phúc, bạn sẽ thấy được điều kỳ diệu xảy ra. Nếu bạn đang cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng, bạn hãy thử làm một việc gì có ý nghĩa và xứng đáng, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.
(Trích Cho đi là còn mãi, Azim Jamal & Harvey Mc Kinnon,
Huế Phượng dịch, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr36,37)
Thực hiện các yêu cầu (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định 01 lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra câu văn thể hiện sự đánh giá chủ quan của người viết về câu chuyện ngụ ngôn trong đoạn văn thứ 2.
Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 4. Nêu tác dụng của bằng chứng “Mẹ Teresa” được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 5. Hãy chia sẻ 01 việc làm tốt của em đã mang lại hạnh phúc cho người khác.