Đọc đoạn trích:
Cuộc đời là một cuộc hành trình dài với những phong cảnh tuyệt đẹp, mỗi người đều sẽ tự mở ra con đường đi của riêng mình. Có con đường hai bên hàng liễu xanh phủ, có con đường hoa nở rực rỡ, có con đường nhìn có vẻ u ám nhưng lại có ngã rẽ hi vọng, có con đường nhìn thấy sáng rõ nhưng lại ẩn chứa bóng tối trùng trùng, nhưng chỉ có con đường thích hợp với bản thân mới là con đường tốt nhất.
Có một câu chuyện xưa kể về một chú thỏ, một chú sóc cùng các động vật nhỏ khác học bơi. Thỏ và sóc học thế nào cũng không biết bơi nên vô cùng buồn bã. Nhà tư tưởng hạc trắng nói: “Bản lĩnh sinh tồn không chỉ có một loại! Thỏ không học được bơi thì học cách đào hang! Sóc không học được bơi thì học cách trèo cây”. Câu chuyện ngụ ngôn nhỏ này chứa đựng một triết lí nhân sinh, đúng như lời hạc trắng nói, phương hướng phát triển của cuộc đời, bản lĩnh sinh tồn không chỉ có một loại, vì sao phải chọn con đường không thuộc về mình để rồi đi vào bóng tối?
[…] Chỉ có nhận thức khách quan về bản thân, nắm vững và xác định rõ ràng về bản thân mới có thể chọn lựa một con đường thích hợp cho chính mình. Ovidius – nhà thơ La Mã cổ đại từng nói: “Nhận thức được bản thân, tìm đúng vị trí của bản thân là điều kiện tiên quyết để tỏa sáng trong cuộc đời này”.(Trích Mỗi lần vấp ngã là một lần trưởng thành – Liêu Trí Phong, NXB Thanh niên, 2021, tr.224
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, con đường tốt nhất với mỗi người là con đường nào?
Câu 3. Việc nêu câu chuyện thỏ, sóc cùng các động vật khác học bơi trong đoạn trích có tác dụng gì?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến “Nhận thức được bản thân, tìm đúng vị trí của bản thân là điều kiện tiên quyết để tỏa sáng trong cuộc đời này”? Vì sao?