Đọc hiểu thơ: Tuổi thơ của Nguyễn Duy

Đọc đoạn trích:

(1) Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng
cỏ và lúa và hoa hoang quả dại
vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải
bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

(2) Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò
con sáo mỏ vàng con chào mào đỏ đít
con chim trả bắn mũi tên xanh biếc
con chích chòe đánh thức buổi ban mai

(3) Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi
năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại
cái năm tháng mong manh mà vững chãi
con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

(4) Người miền rừng bóng suối dáng cây
người mạn bể ăn sóng nói gió
người thành thị nét đường nét phố
như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

(Trích tuổi thơ, Nguyễn Duy, quê nhà ở phía ngôi sao, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM, 2017, tr. 63-64)

Đọc hiểu thơ: Tuổi thơ của Nguyễn Duy

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Click vào đây để xem đáp án

Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. Trong khổ thơ thứ nhất có những hình ảnh nào diễn tả không gian đặc trưng của làng quê?

Click vào đây để xem đáp án

Những hình ảnh diễn tả không gian đặc trưng của làng quê trong khổ thơ thứ nhất bao gồm:

Cánh đồng cỏ, lúa, hoa hoang, quả dại.
Vỏ ốc trắng, những luống cày phơi ải.
Bờ ruộng bùn, dấu chân cua.

=> Những hình ảnh này gợi lên một làng quê mộc mạc, bình dị, thân thuộc.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai?

Click vào đây để xem đáp án

– Biện pháp liệt kê: con cò, con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít, con chim trả, con chích chòe.

-Tác dụng:

+ Tạo nên bức tranh sinh động, đầy màu sắc và âm thanh của làng quê.

+ Gợi nhớ những hình ảnh quen thuộc của tuổi thơ, đồng thời thể hiện sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên.

Câu 4. Hai dòng thơ sau giúp em hiểu như thế nào về ảnh hưởng của quê hương đối với mỗi người?

Người miền rừng bóng suối dáng cây
người mạn bể ăn sóng nói gió

Click vào đây để xem đáp án

Hai dòng thơ khẳng định quê hương có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và lối sống của mỗi con người:

-Người miền rừng thì gắn bó với thiên nhiên rừng núi, hình thành nét đặc trưng “bóng suối dáng cây.”

Người miền biển thì mạnh mẽ, phóng khoáng, thể hiện qua “ăn sóng nói gió.”

-Quê hương là nơi lưu giữ những dấu ấn đặc trưng, nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành bản sắc riêng của mỗi con người.

Câu 5. Tình cảm của tác giả đối với quê hương được thể hiện trong đoạn trích có ý nghĩa gì đối với em?

Click vào đây để xem đáp án

-Tình cảm của tác giả đối với quê hương là sự trân trọng, yêu thương, và gắn bó sâu sắc với nơi chốn đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ.

-Ý nghĩa đối với em:

+ Giúp em nhận ra giá trị của quê hương trong việc hình thành nhân cách và ký ức tuổi thơ.

+ Thôi thúc em biết yêu thương, gìn giữ và đóng góp cho quê hương mình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *