Đọc hiểu thơ: Mẹ của Bằng Việt

Đọc và trả lời câu hỏi:

“ Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.
[…]
Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.

Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa
Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả,
Con nói mơ những núi rừng xa lạ
Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!

(Trích: Mẹ *, Bằng Việt, in trong Tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010)

(* Bài thơ Mẹ có lẽ được nhà thơ Bằng Việt sáng tác vào năm 1970, vào thời điểm ông tham gia công tác ở chiến trường Bình Trị Thiên, với tư cách là một phóng viên chiến trường, tác giả bị thương phải nằm lại trong ngôi nhà của một người mẹ. Cảm động trước tình cảm của những người mẹ miền Nam nên ông đã sáng tác bài thơ Mẹ như một lời cảm ơn, tri ân người “mẹ” đặc biệt này).

Đọc hiểu thơ: Mẹ của Bằng Việt

Câu 1: Xác định kiểu văn bản?

Click vào đây để xem đáp án

Phương thức biểu đạt chính: Nghệ thuật- Biểu cảm

Câu 2: Người mẹ trong đoạn thơ được khắc họa qua những hình ảnh nào?

Click vào đây để xem đáp án

Người mẹ được thể hiện qua những hình ảnh:
+ Dáng ân cần, lặng lẽ
+ Bước chân đi rất nhẹ
+ Hái trái bưởi đào
+ Nấu canh tôm khế, nướng khoai, bung ngô
+ Dồn hết tình máu mủ cho con.

Câu 3: Nội dung của đoạn văn bản trên?

Click vào đây để xem đáp án

Nội dung: Nỗi nhớ mẹ, nhớ quê da diết gắn liền với những hình ảnh bình dị quen thuộc thấm đượm tình cảm ở quê cũng như tình cảm yêu thương sâu sắc mẹ dành cho con.

Câu 4: Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ điệp và liệt kê trong đoạn thơ sau:

“Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà”.

Click vào đây để xem đáp án

BPTT:

+ Điệp từ (cấu trúc) – Con xót lòng…; Con nhạt miệng….

+ Liệt kê: Trái bưởi đào, canh tôm nấu khế, khoai nướng, ngô bung

– Hiệu quả:

+ Khắc sâu hình ảnh người mẹ cũng như tình thương, sự quan tâm rất chu đáo và cẩn trọng của người mẹ đối với đứa con chiến sỹ.

+ Khiến câu thơ, đoạn thơ trở nên cụ thể, chân thực và giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, tăng giá trị biểu đạt

+ Tác giả thể hiện sự trân trọng ghi nhớ suốt đời mình tình cảm quân dân sâu đậm và thiêng liêng mà người mẹ đã dành cho mình

Câu 5: Anh/ chị hãy nhận xét tình cảm của tác giả dành cho người mẹ qua đọan thơ trên?

Click vào đây để xem đáp án

Đoạn thơ đã cho người đọc thấy được tình cảm sâu sắc, chân thành mà da diết của tác giả dành cho người mẹ:

+ Đó là nỗi nhớ mẹ da diết. Hình ảnh người mẹ hiện về trong tâm trí nhà thơ là hình ảnh bình dị, gần gũi mà đằm thắm nghĩa tình với những việc làm đời thường ” những trái bưởi, những bát canh tôm nấu khế, với khoai nướng, ngô bung”. người mẹ tần tảo sớm hôm với tình yêu thương con sâu sắc.

+ Nỗi nhớ mẹ thể hiện được sự biết ơn, trân trọng người mẹ còn hằn in trong trái tim nhà thơ.

Câu 6. Viết đoạn văn cảm nhận về hình tượng người mẹ được thể hiện trong đoạn thơ ở phần đọc hiểu.

Click vào đây để xem đáp án

Hình tượng người mẹ được nhà thơ tái hiện qua dòng hồi ức ngọt ngào, da diết.
+ Người mẹ hiện lên với hình dáng ân cần mà lặng lẽ. Nó cho ta thấy được sự lo lắng, tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con xa lạ: vì yêu thương, lo lắng cho người con chiến sĩ, mẹ đã luôn bên cạnh để chăm lo, lại sợ đứa con giật mình tỉnh giấc nên mẹ luôn lặng lẽ, bước chân cũng nhẹ nhàng.
+ Người mẹ còn tận tình lo cho người chiến sĩ từng bữa ăn. Sự quan tâm của mẹ thật kịp thời, và luôn luôn làm sao để cho người con cảm thấy hài lòng nhất: Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào/ Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế. Mọi thức ăn của nhà quê mà mẹ có, người mẹ đều dành cho đứa con xa lạ: khoai nướng, ngô bung. Chính tình thương của mẹ đã làm cho căn nhà ấm áp, tình mẹ như bếp lửa, như ngọn khói sưởi ấm căn nhà, sưởi ấm lòng người con mỗi sớm mai.
+ Dù người mẹ và người chiến sĩ mới chỉ gặp gỡ lần đầu, nhưng người mẹ đã chăm sóc người chiến sĩ như người con ruột thịt của mình. Chính tình yêu thương ấy đã làm cho người con cảm thấy như đang ở nhà của mình. Tình thương của mẹ đã làm cho đất lạ hóa thành quê hương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *