Đọc hiểu NLXH: Thiếu vắng tình yêu thương thì sống ở đời đã khó, làm nghề giáo (GS.TS Nguyễn Văn Minh)

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1)Thiếu vắng tình yêu thương thì sống ở đời đã khó, làm nghề giáo thì khó biết nhường nào. Thầy mong rằng, mai kia ra đời, hãy dạy cho trẻ biết thương cha thương mẹ, biết ơn những đồng chua nước mặn, những nhọc nhằn để có bát cơm; biết sẻ chia với những phận đời không may mắn và vị tha với những lỗi lầm. Rồi sau đó mới dạy trẻ những tình yêu lớn lao hơn thế.
(2)Chúng ta không thể thờ ơ với những thành công của công nghệ. Nếu không ta mãi mãi đi sau, nhưng xin nhớ rằng, một con người thiếu đi tình yêu thương thì tương lai trở thành bất định. Trước hết, dạy cho trẻ cách ứng xử trong môi trường số sao cho đúng mức và văn minh trước khi dạy các em làm những điều cao siêu hơn thế. Đừng để tiến bộ của công nghệ trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh trong mỗi gia đình và trong hoảng loạn của mỗi con người.
(3)Các em hãy là người bảo vệ tuổi thơ cho trẻ. Đừng để việc học đánh mất sự ngây thơ của trẻ; nhắn với phụ huynh rằng, tuổi thơ là tuổi thần tiên; hãy hỏi trẻ đi học có vui không thay vì hỏi hôm nay con được bao nhiêu điểm? Đừng để trẻ con mơ ước chúng trở thành chiếc điện thoại thông minh vì cha mẹ chúng dành nhiều thời gian cho màn hình điện thoại hơn dành cho chúng. Thêm một nhúm kiến thức không trở thành người nổi tiếng, bồi đắp thêm tình yêu thương với con người, với thiên nhiên, làng xóm là bệ phóng của tương lai. Đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ là có tội. Nguyên sơ là gốc thánh thiện của con người. Hãy cố giữ cho trẻ thơ cánh diều vút cao trên đồng làng ngập gió, giữ cho sự vô tư choán năm tháng tuổi thơ ngây. Hãy gạt bỏ cái tư tưởng biến đứa trẻ thành chuyên gia xuất sắc, mà luôn nhớ rằng giáo dục trẻ để chúng biết yêu thương, biết quan tâm, biết sẻ chia với những người gần gũi. Nhắn với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái mình chín ép và trở thành công cụ thực hiện tham vọng của mình.

(Trích Bài phát biểu của GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội)

 

Đọc hiểu NLXH: Thiếu vắng tình yêu thương thì sống ở đời đã khó, làm nghề giáo (GS.TS Nguyễn Văn Minh)

Câu 1. Văn bản bàn vấn đề gì?

Gợi ý: Hãy xác định chủ đề chính của bài phát biểu, xem người viết muốn truyền tải thông điệp gì về nghề giáo.

Click vào đây để xem đáp án
Vấn đề bàn luận: Yêu cầu đối với nghề giáo.

Câu 2. Xác định các luận điểm của văn bản.

Gợi ý: Chia bài văn thành các phần, từ đó tìm ra những luận điểm chính trong từng phần.

Click vào đây để xem đáp án
Các luận điểm:

  • Dạy trẻ lòng biết ơn.
  • Dạy trẻ cách ứng xử trong môi trường số.
  • Cách thức bảo vệ tuổi thơ của trẻ.

Câu 3. Biện pháp tu từ liệt kê có tác dụng như thế nào trong câu văn sau:
“Thầy mong rằng, mai kia ra đời, hãy dạy cho trẻ biết thương cha thương mẹ, biết ơn những đồng chua nước mặn, những nhọc nhằn để có bát cơm; biết sẻ chia với những phận đời không may mắn và vị tha với những lỗi lầm”?

Gợi ý: Xem xét câu văn có liệt kê nhiều yếu tố hay hành động và cách chúng được liệt kê ra có tác dụng gì đối với người đọc.

Click vào đây để xem đáp án
  • Phép tu từ liệt kê: “biết thương cha thương mẹ, biết ơn những đồng chua nước mặn, những nhọc nhằn để có bát cơm; biết sẻ chia với những phận đời không may mắn và vị tha với những lỗi lầm”.
  • Hiệu quả nghệ thuật:
    • Làm cho diễn đạt trở nên sinh động, có nhịp điệu.
    • Chỉ ra những việc cần phải làm để hình thành, phát triển các phẩm chất cho trẻ.
    • Trân trọng, đề cao việc giáo dục đạo đức, bồi dưỡng tâm hồn cho trẻ.

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn:
Thêm một nhúm kiến thức không trở thành người nổi tiếng, bồi đắp thêm tình yêu thương với con người, với thiên nhiên, làng xóm là bệ phóng của tương lai?

Gợi ý: Hãy suy nghĩ về sự quan trọng của tình yêu thương và giá trị của việc bồi đắp những phẩm chất nhân văn cho trẻ, hơn là chỉ tập trung vào kiến thức.

Click vào đây để xem đáp án
  • Người thầy không chỉ truyền đạt về mặt kiến thức mà còn là người giáo dục bồi đắp tình yêu, sự quan tâm đến con người, thiên nhiên, cộng đồng xung quanh.
  • Nhờ có tình yêu thương, quan tâm tới mọi việc xung quanh sẽ giúp xây dựng một tương lai tích cực và phát triển bền vững cho học trò.

Câu 5. Từ văn bản, anh/chị rút ra được thông điệp gì ý nghĩa nhất cho bản thân? Vì sao?

Gợi ý: Suy nghĩ về những giá trị quan trọng trong giáo dục, vai trò của sự yêu thương và bảo vệ tuổi thơ, từ đó rút ra thông điệp liên quan đến bản thân bạn.

Click vào đây để xem đáp án
Thông điệp:

  • Giáo dục trẻ em không chỉ là về kiến thức mà còn về lòng yêu thương, sự sẻ chia, biết quan tâm tới người khác.
  • Giữ cho tuổi thơ của trẻ trong sáng, nguyên sơ và hồn nhiên để xây dựng lên những con người có ý thức và trách nhiệm trong tương lai.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Theo bạn, tại sao tình yêu thương lại là yếu tố quan trọng trong việc giáo dục trẻ?

Câu hỏi 2: Đoạn văn trong văn bản đề cập đến những điều gì cần được dạy cho trẻ ngoài kiến thức học tập?

Câu hỏi 3: Bạn nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa công nghệ và tình yêu thương trong giáo dục?

Câu hỏi 4: Tại sao việc bảo vệ tuổi thơ của trẻ lại quan trọng trong giáo dục hiện nay?

Câu hỏi 5: Bạn có đồng tình với quan điểm rằng giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là bồi đắp tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho trẻ không?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu NLXH: Thiếu vắng tình yêu thương thì sống ở đời đã khó, làm nghề giáo (GS.TS Nguyễn Văn Minh) được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *