Đọc hiểu NLXH: Con người, ai mà không từng phạm sai lầm? Khi đã sai lầm thì phải sửa chữa (Hoàng Phương Lan)

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:

Con người, ai mà không từng phạm sai lầm? Khi đã sai lầm thì phải sửa chữa. Nhưng trước khi sửa sai, cần phải biết can đảm “cúi đầu” thừa nhận lỗi lầm của bản thân.
Tuy nhiên, có nhiều người lại không đủ can đảm để làm điều đó, và họ cứ mãi bị rớt lại ở những nơi họ bị ngã xuống, chẳng thể nào vực dậy để đi tiếp. “Cúi đầu” không phải là khuất nhục, “cúi đầu” càng không phải là thấp hèn, mà chính là một sự dũng cảm, là thể hiện rằng bản thân đã biết sai và sẽ sửa.
… Người xưa có câu: “Biết cúi đầu mới là trưởng thành, biết hạ mình mới là cao thủ.”
Khiêm tốn, cúi đầu không phải là chỉ biết cúi xuống cam chịu mà là biết cách ứng xử. Khi trẻ, ta luôn có ý thức khẳng định mình, tràn đầy ý chí và khát khao. Đó là điều rất đáng quý, nhưng mà cũng dễ có những nhược điểm: tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn… Vì quá tự tôn nên ta không chấp nhận học tập thành công của người khác.
Học cách cúi đầu vượt qua những “cánh cửa” thấp bé trên con đường nhân sinh. Biết “cúi đầu” cũng là một loại năng lực. Đó không phải là tự ti, không phải là nhu nhược, mà là khi năng lực của ta tích lũy đã đủ thâm sâu và sắc sảo.
Các vĩ nhân đều là những người khiêm tốn. Isaac Newton coi mình chỉ như một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lý bao la. Chân lý của ông chính là: “Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ”. Ông chưa bao giờ dám nhận mình là một người khổng lồ!

(Trích “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”, Hoàng Phương Lan, Tạp chí Đời sống & Phát triển, ngày 27/5/2020)

Con người, ai mà không từng phạm sai lầm? Khi đã sai lầm thì phải sửa chữa (Hoàng Phương Lan)

Câu 1. Trong đoạn trích, tác giả cho biết nhà bác học Newton, người đã đem đến những phát minh vĩ đại luôn coi mình như thế nào?
Gợi ý: Đọc đoạn văn nói về Isaac Newton để xác định cách ông tự nhận xét về bản thân.

Click vào đây để xem đáp án
Isaac Newton coi mình chỉ như một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lý bao la.

Câu 2. Em hãy cho biết nội dung của đoạn trích.
Gợi ý: Tóm tắt nội dung chính về ý nghĩa của khiêm tốn và sự dũng cảm thừa nhận sai lầm.

Click vào đây để xem đáp án
Nội dung đoạn trích: Bàn về biểu hiện và ý nghĩa của đức tính khiêm tốn trong đời sống con người, nhắc nhở chúng ta luôn khiêm tốn (nhận lỗi khi mắc sai lầm, khiêm tốn để học tập và tích lũy tri thức).

Câu 3. Phân tích vai trò của bằng chứng được sử dụng trong đoạn văn sau:
Các vĩ nhân đều là những người khiêm tốn. Isaac Newton coi mình chỉ như một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lý bao la. Chân lý của ông chính là: “Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ”. Ông chưa bao giờ dám nhận mình là một người khổng lồ!
Gợi ý: Xác định tác dụng của việc sử dụng bằng chứng trong đoạn văn.

Click vào đây để xem đáp án
Bằng chứng về Isaac Newton giúp lập luận chặt chẽ, logic, giàu sức thuyết phục, tăng độ tin cậy cho bài viết. Đồng thời, làm sáng tỏ luận điểm “Các vĩ nhân đều là những người khiêm tốn” và nhấn mạnh ý nghĩa của sự khiêm tốn trong cuộc sống.

Câu 4. Xác định và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn sau:
“Cúi đầu” không phải là khuất nhục, “cúi đầu” càng không phải là thấp hèn, mà chính là một sự dũng cảm, là thể hiện rằng bản thân đã biết sai và sẽ sửa.
Gợi ý: Chú ý các cụm từ được liệt kê trong câu.

Click vào đây để xem đáp án
  • Biện pháp tu từ liệt kê: không phải là khuất nhục, “cúi đầu” càng không phải là thấp hèn, …
  • Hiệu quả: Làm cho lời văn sinh động, nhấn mạnh ý nghĩa của khiêm tốn, giúp tăng sức thuyết phục và gây ấn tượng với người đọc. Đồng thời, thể hiện thái độ trân trọng đức tính khiêm tốn.

Câu 5. Những bài học cuộc sống sâu sắc em đón nhận qua đoạn trích đã cho.
Gợi ý: Liên hệ bản thân và rút ra bài học từ đoạn trích.

Click vào đây để xem đáp án
  • Hiểu được ý nghĩa quan trọng của đức tính khiêm tốn.
  • Luôn khiêm tốn để học hỏi, mở rộng tri thức, hoàn thiện bản thân.
  • Dũng cảm nhận lỗi và sửa sai khi mắc sai lầm.
  • Khiêm tốn giúp chúng ta được yêu mến, tin tưởng.
  • Nhắc nhở bản thân và mọi người về giá trị của khiêm tốn, tránh thái độ kiêu căng, tự phụ.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Hãy tìm một đoạn văn trong bài thể hiện sự đối lập giữa “cúi đầu” và “ngẩng đầu”. Viết lại và phân tích ý nghĩa của sự đối lập đó.

Câu hỏi 2: Qua đoạn trích, em hiểu thế nào là “khiêm tốn”? Em hãy lấy 2 ví dụ thực tế về người khiêm tốn trong cuộc sống.

Câu hỏi 3: Tác giả sử dụng hình ảnh “những cánh cửa thấp bé” trên con đường nhân sinh để nói lên điều gì?

Câu hỏi 4: Qua câu chuyện về Isaac Newton, em rút ra được bài học gì cho chính bản thân mình?

Câu hỏi 5: Nếu một người không khiêm tốn, tự cao, tự đại thì sẽ gặp những khó khăn gì trong cuộc sống?


Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu NLXH: Con người, ai mà không từng phạm sai lầm? Khi đã sai lầm thì phải sửa chữa (Hoàng Phương Lan) được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *