Đọc hiểu NLXH: Chuyện chiếc xe thồ Điện Biên Phủ vào mỹ thuật Thiên Điểu

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4 điểm)

Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Chuyện chiếc xe thồ Điện Biên Phủ vào mỹ thuật

Hai kỳ tích nói lên đặc thù chiến tranh nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ là chiếc xe đạp thồ và kéo pháo bằng sức người ra mặt trận không chỉ đi vào thơ, nhạc mà cả họa.

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh bên bức điêu khăc Cả nước ra trận Tác phẩm điêu khắc Cả nước ra trận của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh là một dân công đang thồ hàng trên xe đạp ra mặt trận đang trưng bày tại triển lãm “Đường lên Điện Biên” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. ….
Kỳ tích chiếc xe đạp thồ
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh kể khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, ông mới 14 – 15 tuổi. Thắng lợi quá lớn lao, vĩ đại của quân ta đã thôi thúc ông một ngày phải sáng tác về Điện Biên Phủ. Năm 2004, ông đi thực tế sáng tác tại Điện Biên. Nhận thấy nét riêng của chiến thắng ấy là đào giao thông hào và chiếc xe đạp thồ, sau nhiều ngày suy nghĩ tìm ý tưởng, ông quyết định phải sáng tác về đội quân xe thồ đặc biệt đóng góp rất lớn cho chiến thắng lừng lẫy năm châu. Tác phẩm điêu khắc tạc một người dân trong tư thế đang đẩy chiếc xe thồ hàng rất nặng lên dốc hoàn thành sau hai tháng.
Tuy tác phẩm chỉ có một người, nhưng một người ấy đại diện cho khối toàn dân một lòng ủng hộ kháng chiến, nên ông lấy tên Cả nước ra trận. Năm 2005, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua tác phẩm này của ông. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định chiếc xe đạp thồ là điều kỳ diệu nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta. Lưu Danh Thanh đã chọn được hình ảnh khái quát nhất để nói về cuộc chiến tranh nhân dân.
Vào cả bảo tàng nước Mỹ
Cũng câu chuyện chiếc xe đạp thồ này, nhà sử học Dương Trung Quốc mang đến bức ảnh thú vị ông chụp một chiếc xe thồ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ, trong phòng trưng bày về chiến tranh Việt Nam. Ông Quốc nói các nhà sử học phương Tây nhận ra vị thế của chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong rất nhiều tác phẩm mà ông được tiếp cận đã nói rằng tướng Nava thua ở Điện Biên Phủ chính là thua chiếc xe đạp thồ. Bởi khi người Pháp chọn Điện Biên Phủ để xây dựng căn cứ địa chiến đấu, họ đã tưởng rằng ta sẽ thua chắc vì làm sao đưa được lương thực, vũ khí, và kéo được pháo vào để chiến đấu với quân Pháp. Nhưng họ đã nhầm. Chiếc xe thồ – một sáng tạo vĩ đại của người dân Việt Nam, cải tiến từ phương tiện cơ giới Tây phương và cây tre Việt Nam đã giúp chuyên chở khối lương thực, đạn dược, thuốc men khổng lồ phục vụ 50.000 quân chiến đấu trong gần hai tháng để đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy.
…Chiếc xe đạp thồ trở thành biểu tượng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

(Theo Thiên Điểu, https://tuoitre.vn/chuyen-chiec-xe-tho-va-keo-phao-o-dien-bien-phu-vao-my-thuat-20240428092020327.htm, ngày 28/4/2024)

Đọc hiểu NLXH: Chuyện chiếc xe thồ Điện Biên Phủ vào mỹ thuật Thiên Điểu

Câu 1: Văn bản đề cập đến thông tin chính nào?

Gợi ý: Đọc kỹ các nội dung nổi bật được trình bày trong văn bản.

Click vào đây để xem đáp án
  • Tác phẩm điêu khắc Cả nước ra trận của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh trưng bày tại triển lãm “Đường lên Điện Biên” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
  • Ý tưởng sáng tác bức tượng điêu khắc về chiếc xe đạp thồ.
  • Ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc về ý nghĩa và vai trò của chiếc xe đạp thồ trong kháng chiến.

Câu 2: Các phương tiện phi ngôn ngữ nào được sử dụng trong văn bản?

Gợi ý: Chú ý các yếu tố phi ngôn ngữ như nhan đề, hình ảnh minh họa, đề mục.

Click vào đây để xem đáp án
Phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản:

  • Nhan đề và các đề mục được in đậm.
  • Sapo (đoạn giới thiệu đầu văn bản).
  • Ảnh nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh và bức điêu khắc Cả nước ra trận.

Câu 3: Em hiểu câu nói: “Tướng Nava thua ở Điện Biên Phủ chính là thua chiếc xe đạp thồ” như thế nào?

Gợi ý: Phân tích mối liên hệ giữa chiếc xe đạp thồ và chiến thắng Điện Biên Phủ.

Click vào đây để xem đáp án
Câu nói có ý nghĩa:

  • Chiếc xe đạp thồ là một sáng tạo vĩ đại của người dân Việt Nam, biểu tượng cho sức mạnh ý chí, tinh thần đoàn kết và sự thông minh trong kháng chiến.
  • Nó là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo hậu cần, giúp quân ta vượt qua khó khăn để giành chiến thắng lừng lẫy ở Điện Biên Phủ.
  • Chiếc xe đạp thồ đã trở thành biểu tượng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Câu 4: Tác giả đã thể hiện thái độ như thế nào trong văn bản?

Gợi ý: Chú ý cách tác giả miêu tả, đánh giá vai trò của nhân dân và chiếc xe đạp thồ.

Click vào đây để xem đáp án
Thái độ của tác giả:

  • Ca ngợi sức mạnh ý chí và tinh thần đoàn kết của dân tộc ta trong kháng chiến chống Pháp.
  • Tự hào trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc và ý chí chiến đấu kiên cường của nhân dân Việt Nam.
  • Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước.

Câu 5: Qua văn bản em có suy nghĩ gì về sức mạnh của ý chí, sự sáng tạo của nhân dân trong kháng chiến?

Gợi ý: Liên hệ các chi tiết trong văn bản và vai trò của nhân dân trong lịch sử kháng chiến.

Click vào đây để xem đáp án
  • Với truyền thống yêu nước và ý chí kiên cường, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đóng góp tích cực vào kháng chiến chống thực dân.
  • Sự sáng tạo tuyệt vời như cải tiến chiếc xe đạp thồ đã giúp đảm bảo hậu cần, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
  • Điều đó cho thấy, sức mạnh ý chí và sáng tạo của nhân dân chính là yếu tố quyết định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Vì sao chiếc xe đạp thồ được xem là biểu tượng cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam?

Câu hỏi 2: Em hiểu thế nào về ý nghĩa của tên tác phẩm Cả nước ra trận của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh?

Câu hỏi 3: Theo em, tại sao nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định “tướng Nava thua ở Điện Biên Phủ chính là thua chiếc xe đạp thồ”?

Câu hỏi 4: Em cảm nhận như thế nào về sức mạnh đoàn kết và sự sáng tạo của nhân dân Việt Nam qua văn bản?

Câu hỏi 5: Hãy liên hệ với thực tế, nêu bài học từ câu chuyện chiếc xe đạp thồ đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu NLXH: Chuyện chiếc xe thồ Điện Biên Phủ vào mỹ thuật Thiên Điểu được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *