Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
THƯ CHO VƯƠNG THÔNG (1)
Thư bảo cho tổng binh ngươi biết. Cổ nhân có nói: “Giặc đến lúc cùng, chớ nên đuổi bức” (2). Nay ta định đem ba bốn mươi vạn quân vây bốn thành của ngươi, chỉ e chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ, cho nên ta không đem quân toàn thắng cùng quân tất tử để tranh thắng với bọn trẻ con vậy. Tuy nhiên, dù tiểu địch giữ vững, vẫn bị đại địch bắt được (3). Kể lấy sức nặng ngàn cân đè lên trứng chim, thì chưa hề có trứng nào không vỡ nát. Cái chuyện đánh thành hãy gác một bên. Hoặc giả buông lỏng cho bè lũ ngươi, không để ý đến, ta hãy cởi giáp nghỉ binh, vỗ nuôi sĩ tốt, vời đón hiền giả, thu dụng nhân tài, sửa sang khí giới, luyện tập binh tượng, dạy cho những phương pháp ngồi, dậy, tiến lui, lại lấy nhân nghĩa mà hùn đúc, khiến ai ai cũng hết lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người trưởng, lấy đấy mà ứng phó với kẻ địch, kẻ nào theo ta sẽ sống, kẻ nào trái ta sẽ chết, phàm ta trông cậy là thế mà thôi.
Một ngày kia việc nước ngươi hơi thư, lòng tham lại mống, hoặc lại đem ba bốn vạn quân sang, thì ta đối phó thực ung dung lắm. Đến như bọn ngươi, không đánh mà bị bắt thì chẳng phải nói nữa! Trong hai chước đó, ý ta chưa quyết chước nào. Không biết các ông có cho việc ta không để ý đến là thượng sách chăng? Xin các ông lui mà chỉ giáo cho, thực là may lắm.
(Theo Nguyễn Trãi toàn tập, Phần Quân trung từ mệnh tập, NXB Khoa học xã hội; Hà Nội; 1976, tr.73)
Chú thích:
(1) Vương Thông:Vương Thông (?-1452), người Hồ Bắc, Trung Quốc. Từng làm tướng nhà Minh, là tổng binh quân Minh tại Đại Việt.
(2) Sách Tôn Tử có câu “Cùng khấu vật truy” (giặc đã đến lúc cùng, thì chớ nên đuổi theo). Ý nói e chúng quay lại đánh liều.
(3) Câu này ở thiên “Mưu công” của Tôn Tử là: “Tiểu địch chi kiên, đại địch chi cầm”, ý nói kẻ yếu nhỏ không lượng sức mà địch với kẻ mạnh lớn, dù cố giữ vững thế nào, kết cục sau vẫn bị kẻ mạnh lớn đánh bắt được.
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?
Câu 2: Thái độ của Nguyễn Trãi với quân Minh được thể hiện qua văn bản như thế nào?
Câu 3: Mục đích của Nguyễn Trãi khi viết văn bản trên là gì?
Câu 4: Văn bản trên thể hiện những nét đặc trưng về nghệ thuật của văn nghị luận Nguyễn Trãi như thế nào?
Câu 5: Theo anh/chị, văn bản trên có những nét đặc sắc nào về nghệ thuật?