Đọc văn bản sau:
Cái hương thơm thanh mát không giống bất kì loại quả hay hoa nào cứ quyến rũ vị giác của những người ăn nó lần đầu hay nhiều lần sau nữa. Với tôi hương thơm quyến rũ nhất là khi cạo lớp vỏ ngoài của những quả sấu non, mùi hương của nó thanh thanh man mát nhưng không giống như mùi tre non hay mùi hoa mộc trước cửa nhà ông ngoại. Hương thơm lan ra không khí và bám cả vào tay. Một mùi hương làm tôi nhớ về tuổi thơ nơi có bình sấu ngâm của mẹ và bát canh chua giữa trưa hè nóng bức. Nhớ những ngày cạo sấu từ sáng đến trưa, nhớ và thèm cái vị chua đến ghê người khi ăn sấu chấm muối, và nhớ cả bình sấu ngâm tự tay làm cho chị gái học pha chế khi đi học xa nhà…
Trên một chuyến tàu, tôi gặp một người bạn đến từ Cao Bằng, khi nói về ẩm thực và đặc sản các vùng miền, cả cậu ấy và cả tôi đều ngỡ ngàng vì cậu ấy chưa từng ăn sấu. Tôi phải quả quyết với cậu ấy rằng, nhất định cậu phải ăn sấu và uống nước sấu ngâm ít nhất một lần khi đến Hà Nội, vị của nó tất nhiên là khác nhưng nó sẽ giống như hồi và quế của quê hương cậu vậy! Nó là một thức uống, là những món ăn mùa hạ mà người ta đã phải rất kì công để làm ra nó, phải cạo vỏ, phải ngâm vôi, phải trần nước sôi, phải ngâm cả tuần trời mới nếm được cái vị chua chua ngọt ngọt và ngửi được mùi hương mê hoặc vị giác.
Thưởng thức vị sấu ngon là thế nhưng có mấy ai biết được sự mưu sinh vất vả của những gánh hàng rong. Giữa trưa hè nắng gắt, những gánh hàng rong vẫn ngồi mong bán được hàng trong khi dòng người vội vã đi qua chỉ mong tìm đến nơi mát mẻ để tránh nóng. Tôi không thi ca hóa những điều này, với Hà Nội thì có thể là khác bởi trăm người bán vạn người mua, nhưng với những vùng quê thì cuộc sống mưu sinh vất vả vô cùng nếu chỉ dựa vào gánh sấu non hay bình sấu ngâm, hay một vài thức quà theo mùa khác….
(Sấu – món quà của mùa hạ, Thuỳ Linh)
Câu 1. Xác định đối tượng chính được đề cập đến trong văn bản?
Câu 2. Theo tác giả, quả sấu có hương thơm quyến rũ nhất là khi nào?
Câu 3. Ghi lại 1 câu có yếu tố tự sự và 1 câu có yếu tố trữ tình trong văn bản.
Câu 4. Nêu tác dụng của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong văn bản?
Câu 5. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích: “Nó là một thức uống, là những món ăn mùa hạ mà người ta đã phải rất kì công để làm ra nó, phải cạo vỏ, phải ngâm vôi, phải trần nước sôi, phải ngâm cả tuần trời mới nếm được cái vị chua chua ngọt ngọt và ngửi được mùi hương mê hoặc.”