Đọc hiểu văn bản: Bài học quý giá mẹ dạy con: Đừng để ý ánh mắt người khác

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi.

[…] Một cậu bé 6 tuổi rất thích vẽ tranh, cậu thường vẽ đủ các loại hình mà cậu tưởng tượng ra, nhưng trong một lần đến nhà người thân chơi vì chủ nhà nói đùa rằng các bức vẽ không đẹp nên từ đó cậu cũng không muốn vẽ nữa…

Một đứa trẻ có nội tâm mạnh mẽ là như thế nào?

Một đứa trẻ mỗi ngày đều muốn luyện tập ca hát, hàng xóm chế giễu cô bé rằng hát quá khó nghe, dù cho có luyện đến hỏng cả cuống họng cũng không có ai khen…

Cô bé mỉm cười và nói rằng những lời này cháu đã nghe nhiều rồi, nhưng mà những lời này tuyệt đối không thể ngăn cản cháu luyện tập đâu, bởi vì cháu tìm thấy niềm vui trong ca hát, cho nên cháu sẽ không bao giờ từ bỏ việc tập hát cả.

Kỳ thật, đứa trẻ khi được sinh ra là không có “để ý đến ánh mắt của người khác”, chúng đến thế giới này vô tư và hồn nhiên, nên sẽ làm ra rất nhiều hành động khiến người lớn phải hoảng sợ, chúng không để ý việc người khác nhìn gì và nghĩ gì về chúng. Nhưng quá trình trưởng thành dần dần khiến cho cuộc sống của trẻ nhỏ phụ thuộc vào ánh mắt của người khác, từ đó sinh ra tâm tư tiêu cực nếu không được khen ngợi.

Bạn hãy xem những lời dưới đây có quen thuộc không nhé?

“Con mà mặc xấu như này mọi người sẽ cười chê đó.”…

“Con không học cho giỏi, người khác sẽ coi thường con đấy.”…

Hãy ngẫm nghĩ xem có phải là cha mẹ đã khoác lên con một vỏ bọc ngoài không? Vỏ bọc này chính là “trong mắt của người khác”. Những đứa trẻ sống trong ánh mắt của người khác, tất cả những hành vi của chúng, khả năng chỉ là để giành được sự khen ngợi và tán thưởng của người khác, chúng có thể sẽ bị mất đi những thứ mà nội tâm chúng mong muốn.

Mỗi đứa trẻ đều là riêng biệt, đừng nuôi dưỡng đứa trẻ thành “bản sao” của những đứa trẻ khác.

Chỉ cần bản thân mình cho rằng đó là việc đúng đắn thì có thể làm, đừng bao giờ vì “ánh mắt người khác” mà thay đổi ước mơ ban đầu của mình.

(Thanh Nguyên – Bài học quý giá mẹ dạy con: Đừng để ý ánh mắt người khác – Hoa tình thương.net – Chủ nhật – 04/10/2015)

Đọc hiểu văn bản: Bài học quý giá mẹ dạy con: Đừng để ý ánh mắt người khác

Câu 1: Từ đoạn trích trên, hãy chỉ ra sự khác nhau giữa một đứa trẻ yếu đuối và một đứa trẻ có nội tâm mạnh mẽ.

Click vào đây để xem đáp án

Sự khác nhau giữa một đứa trẻ yếu đuối và một đứa trẻ có nội tâm mạnh mẽ.

+ Một đứa trẻ yếu đuối: là luôn mặc cảm, tự ti, thiếu bản lĩnh, dễ bị tổn thương, sống phụ thuộc vào người khác…

+ Một đứa trẻ có nội tâm mạnh mẽ: là luôn tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm …

Câu 2: Tại sao cha mẹ lại muốn “khoác lên con một vỏ bọc ngoài”, vỏ bọc này chính là “sống trong ánh mắt của người khác”?

Click vào đây để xem đáp án

Cha mẹ muốn “khoác lên con một vỏ bọc ngoài”, vỏ bọc này chính là “sống trong ánh mắt của người khác” vì:

– Cha mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho con, luôn kỳ vọng quá mức ở con, muốn con phải sống theo quan niệm của mình.

– Đôi khi vì sĩ diện của bản thân, của gia đình…

– Vì một số cha mẹ còn bảo thủ trong nếp nghĩ, còn ích kỷ, luôn muốn con sống trong mắt của người khác.

Câu 3: “Chỉ cần bản thân mình cho rằng đó là việc đúng đắn thì có thể làm, đừng bao giờ vì “ánh mắt người khác” mà thay đổi ước mơ ban đầu của mình.”. Em có đồng tình với quan điểm này không? Vì sao?

Click vào đây để xem đáp án

Gợi ý:

– HS thể hiện quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình hoặc vừa đồng tình, vừa không đồng tình.

– Chọn phương án nào thì phải lí giải thấu đáo, thuyết phục, hợp lí miễn là không vi phạm đạo đức, pháp luật…

Câu 4: Thông điệp tâm đắc nhất của văn bản là gì?

Click vào đây để xem đáp án

Gợi ý:
– HS trình bày được một thông điệp phù hợp:

+ Hãy để cho trẻ em là chình mình, đừng bắt các em là bản sao của người khác.

+ Hãy tôn trọng sự khác biệt của trẻ…

Câu 5: Từ nội dung đoạn trích trong phần Đọc – hiểu, em hãy viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng 300 chữ) trình bày suy nghĩ về thông điệp: “Mỗi đứa trẻ đều là riêng biệt, đừng nuôi dưỡng đứa trẻ thành “bản sao” của những đứa trẻ khác.”

Click vào đây để xem đáp án

* Giới thiệu vấn đề nghị luận.

* Giải quyết vấn đề nghị luận:

– Giải thích:

+ Mỗi đứa trẻ đều là riêng biệt: Mỗi người sinh ra là một cá thể riêng biệt, duy nhất, độc đáo.

+Đừng nuôi dưỡng đứa trẻ thành “bản sao” của những đứa trẻ khác: đừng bắt trẻ phải bắt chước, nói theo, nghĩ theo và phải thành công như những đứa trẻ khác. Đó chỉ là bản sao mà thôi.

–> Ý nghĩa câu nói: Cần giữ được bản sắc riêng và sự khẳng định mình trong suốt hành trình cuộc sống.

– Phân tích:

+ Con người sinh ra vốn không ai giống ai. Vì vậy chúng ta phải có ý thức giữ gìn những nét riêng của mình.

+ Nếu mọi người đều nói, đều nghĩ giống nhau thì cuộc sống sẽ mất đi sự phong phú, đa dạng và trở nên buồn tẻ, đơn điệu.

+Dạy con đừng phiền muộn vì những lời ác ý, điều quan trọng là hài lòng với bản thân mình. Phải dám nêu ý kiến và chịu trách nhiệm về những gì mình làm.

+ Sống tự tin, bản lĩnh, không phụ thuộc vào ánh mắt người khác giúp chúng ta trưởng thành, vững vàng hơn trong cuộc sống.

+ Tuy nhiên cũng cần phải biết học hỏi điều tốt từ người khác để tự tu dưỡng và phát triển bản thân.

+ Phê phán những người sống theo “bản sao” của người khác mà đánh mất bản sắc của mình và những người quá tự tin thể hiện cá tính nên sẽ trở nên biệt lập.

– Liên hệ, rút ra bài học.

* Kết thúc vấn đề nghị luận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *